Ngày 22/4/2011
1. Sinh hoạt Tráng đoàn dễ hay khó ?
Không dễ chút nào. Các em đến rồi đi. Đi rồi quay lại. Quay lại rồi đi (lần này thì đi luôn không thèm trở lại...) Rất nhiều lý do và không lý do nào giống nhau cả. Nhưng chắc một điều: Từ cả hai phía Tráng sinh và Tráng đoàn.
* TRÁNG SINH: Có 2 đối tượng chính, một từ ngoài vào (đoàn thể khác, chưa chơi HĐ bao giờ, đối tượng 1) và một từ Kha sinh lên (có thể đã từng là Sói con, Thiếu sinh, đối tượng 2).
-Đối tượng 1, là ĐT thiếu ổn định nhất, dễ đến và cũng dễ đi nhất. Họ đang đi tìm chính mình, cái "tôi" trong họ rất lớn, vì họ đã từng là "ông này bà nọ" , từng là "thủ lĩnh" ở trường Trung học, Đại học...Vào chơi HĐ bỗng thấy mình "nhỏ" quá, chẳng có vai vế gì đâm ra "tự ái"... Họ chưa biết rằng, 2 môi trường rèn luyện thanh thiếu niên khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau: Một bên để thành cán bộ lãnh đạo xã hội (Đảng,Đoàn), một bên để thành công dân hữu ích cho xã hội (HĐS). Nếu bạn nào "ngộ" ra điều đó sẽ chơi được với HĐ lâu hơn, thực tế đã có nhiều bạn "trụ" khá lâu ở HĐ và trở thành huynh trưởng hoặc trở thành "công dân hữu ích" trong xã hội. Ở HĐ để rèn tâm, chí, tính khí, kỹ năng cần thiết...để phục vụ, giúp ích cho nhân quần xã hội chứ không phải để làm "ông nọ bà kia"...(sẽ trao đổi thêm)
-Đối tượng 2, là ĐT khá ổn định, họ chơi HĐ bền hơn, chịu thương chịu khó hơn, chịu nhiều thiệt thòi hơn...Bởi họ biết họ đang chơi cái gì, vì cái gì và khi trưởng thành thì đa phần trong số họ thực sự "hữu ích" cho gia đình và cho xã hội.
-Một đối tượng nữa, nếu không nói đến là một thiếu sót lớn, họ là ai ? Thưa, họ cũng là Tráng nhưng là Tráng niên (có đơn vị gọi là Tráng huynh, chưa chính xác lắm, để bàn sau vậy), họ từng là HĐS, là phụ huynh của Sói-Thiếu hay cảm tình viên...tuổi đời thường từ trên 25 cho đến 50 hơn, đa số trong họ đều có nghề nghiệp vững chắc, gia đình ổn định, có vai vế vị trí đứng trong xã hội hoặc hưu trí...tình nguyện tham gia HĐ, hỗ trợ đắc lực cho huynh trưởng HĐ an tâm mà chơi với con em họ. Nếu khai thác tốt nguồn lực này, Tráng đoàn sẽ không thiếu "mồi" cho Tráng sinh, vì họ là kho kinh nghiệm sống phong phú, đa dạng...Bằng vào mối quan hệ xã hội của họ, có thể có ích trong việc tìm kiếm hay định hướng công ăn việc làm hay tư vấn tâm lý,nghề nghiệp, tình yêu đôi lứa...cho Tráng sinh. Chà, thật thú vị làm sao khi không mất 1 xu nào mà được lợi quá nhiều đến thế ! Chỉ có ở tình huynh đệ HĐ mà thôi ! (Hình như chưa thuyết phục lắm thì phải !)
* TRÁNG ĐOÀN : Có 2 đối tượng cần chú ý: Toán trưởng và Tráng trưởng. Tráng đoàn mạnh hay yếu là do 2 vị này đấy ! (vẫn là quan điểm riêng)
- Toán trưởng : Tráng đoàn phát triển hay dậm chân tại chỗ một phần do anh này, anh ta được "bồi dưỡng" trong Toán lãnh đạo (như Đội kiểu mẫu của Thiếu), được huynh trưởng kỳ vọng, dìu dắt , o bế hơn ai hết. Anh ta siêng năng, linh hoạt, quyền biến... thì Toán sẽ ngon lành; còn nếu anh ta lười biếng, ù lỳ, uể oải, viện hết lý do này đến lý do khác để thoái thác, không gắn kết anh em trong Toán... thì Toán thảm bại là tất nhiên. Anh Toán trưởng phải thấm nhuần tư tưởng : Chơi Tráng là đểGiúp Ích tha nhân, giúp cho đơn vị (LĐ) mình với tinh thần " vô vụ lợi " thì chơi mới hay được, còn nếu chỉ nghĩ rằng : Chơi Tráng thì mình "được gì, mất gì" thì thà đừng chơi còn hơn. Ở Tráng không có chỗ cho người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình...Một Tráng sinh như thế khi vào đời... ai dám kỳ vọng !
- Tráng trưởng : Hiện nay, đa số các Tráng trưởng cầm đoàn đều lớn tuổi. Khoảng cách tuổi tác của Trưởng và đoàn sinh quá xa, Tráng sinh theo qui định 18-25 , trong lúc Trưởng lại trên 50 , khoảng cách này khiến đoàn sinh e ngại (vì xêm xêm Cha Chú), xưng hô anh anh em em không thoải mái, nên dễ thụ động nghe chứ không nói, ít phát biểu khi có Trưởng dự, trong khi có nhiều Trưởngkhoái nói chứ không thèm nghe... Nên chăng có cuộc "cách mạng": Thay đổi các Trưởng lớn tuổi hoặc Trưởng tự dũng cảm rút lui để nhường chỗ đứng cho các Trưởng trẻ hơn, cỡ 35-45 tuổi thì dễ chơi hơn chăng ?
Tráng đoàn ngoài những Toán Tráng sinh (tuổi 18-25), cần nên có các Toán Tráng niên (tuổi trên 25), Tráng trưởng tuổi trên 45 phụ trách Tráng niên hợp hơn hoặc chuyển sang làm Trưởng cố vấn cho Tráng đoàn thì hay ơi là hay vậy ! (Nếu không đồng quan điểm xin cho ý kiến, đừng giận hờn vu vơ nhé !)
Nhiều đơn vị hiện nay đang thiếu Trưởng trẻ tuổi, nên các Trưởng lớn tuổi vẫn đang đứng mũi chịu sào, không biết cầm cự được bao lâu, e rằng ngủm lần lần mà Trưởng trẻ vẫn chưa chịu chơi thì ... nguy thật đấy chứ chả đùa !
* Sẽ trở lại câu hỏi 1 này vào lần sau, bây giờ ta thử bàn tiếp câu hỏi 2 nhé :
Ngày 06/5/2011:
2. Nội dung sinh hoạt Tráng đoàn trong giai đoạn hiện nay cần đổi mới như thế nào để hấp dẫn, lôi cuốn Tráng sinh, thanh niên ?
Con đường mòn hay con đường có sẵn là con đường dễ đi nhất ! Người ta cứ việc đi trên những con đường đó, chẳng cần suy nghĩ gì cho mệt, có đi ắt có đến, khỏe re... Nhưng trong chiến đấu, hành quân thì lại khác, con đường có sẵn ( như đường mòn chẳng hạn ) lại là con đường nên tránh- nếu cần phải tránh- vì bạn sẽ dễ dàng rơi vào ổ phục kích, cạm bẩy của đối phương giăng sẵn chờ bạn, không què giò thì cũng mất mạng như chơi...
Sinh hoạt Tráng đoàn của chúng ta hiện nay cũng tương tự như vậy, cứ mãi theo lối mòn, không chịu mở lối mới. Con đường của những thập kỷ 40-70 của Thế kỷ trước, đã sản sinh ra nhiều thế hệ anh tài của phong trào HĐ, không thể phủ nhận điều đó, nhưng không có nghĩa sẽ mãi như vậy trong thời đại ngày nay, nếu chúng ta cứ bằng lòng với cái cũ mà không chịu đổi mới, không chịu mở lối mới mà đi, cứ bảo thủ chúng ta sẽ...không phát triển tốt được, có thể sẽ...lụi tàn. Tin hay không, tùy !
Thực tế, có khá nhiều thanh niên đến với Tráng đoàn, lúc đầu rất háo hức hăm hở...Sau một thời gian, sự háo hức hăm hở ban đầu không còn nữa (vì nhiều lý do), họ lần lượt ra đi không kèn không trống, để lại sau lưng - cho những người ở lại - những nổi buồn man mác...Tại sao vậy ? Hãy lý giải điều đó và đừng đổ lổi cho ai cả thì mới thấy vấn đề...
Hãy tìm hiểu xem: Tráng sinh, thanh niên ngày nay quan tâm đến điều gì nhất: Cơm áo gạo tiền ? Con đường quan chức ? Thủ lĩnh chính trị ? Làm chủ một doanh nghiệp ? Tình yêu đôi lứa ? Khao khát tri thức ? Chuyên cần một nghề ? Rèn luyện những kỹ năng sống? Dấn thân vì cộng đồng ? v.v và v.v...Nếu giải mã được những mong muốn đó, chúng ta đã có một bước tiếp cận họ rồi, phần còn lại sẽ như thế nào, tùy vào khả năng của từng huynh trưởng. Thế mới thấy, làm huynh trưởng không dễ chút nào. Ai nói dễ thì làm đi, không ai cản. Nhưng phải nhớ một điều: Nếu anh làm hỏng thì không chỉ hỏng một người mà hỏng cả một phong trào đấy. Liệu !
Thực tế, có một số huynh trưởng tuy không nói thẳng, nhưng cách biểu hiện thì cứ cho rằng mình giỏi, hiểu biết, thích dạy khôn người khác, phê phán cách này cách kia không đúng, là sai...Nhưng làm sao cho đúng, cho hay, cho không sai...thì không làm được. Vì các vị ấy không chịu "gạn đục khơi trong", chỉ muốn bảo thủ cái cũ, lạc hậu, không mạnh dạn tiếp nhận cái mới, loanh quanh mãi với "cái cối xay gió", chẳng chịu thoát ra khỏi cái vỏ ốc của chính mình. Tôi không cần kiểu người như thế trong đơn vị của mình. Nếu anh giỏi , hãy lập lấy đơn vị mà chơi !
Học làm huynh trưởng ( Dự bị, Bạch Mã, Huy hiệu rừng) là đã khó. Lập được một đơn vị (Đoàn) còn khó gấp bội lần. Song cái khó nhất là làm sao cho đơn vị "sống được" mới càng khó hơn. Ai bảo dễ, hãy thử xem, biết sỏi đá liền, không đùa được đâu ! Không ai bắt buột anh phải làm điều anh không muốn và khi anh đã muốn làm thì phải làm cho tới, đến nơi đến chốn, chớ đừng dở dở ương ương, người ta cười thì ít, các em cười nhiều hơn...Một mình anh chẳng làm nên trò trống gì, phải cócộng sự và họ thật sự tin cậy ở anh thì mới mong làm nên cơm cháo gì đó cho bọn trẻ. Tôi nhắc lại:Hãy tìm cộng sự ưng ý và những người cộng sự ấy chọn anh làm thủ lĩnh của họ. Họ làm việc không công như anh, chẳng ai trả lương cho các anh cả, nhưng các anh thích thế. Nếu có ai trả lương, chưa chắc các anh chịu làm. Thế đấy ! Hiểu được chết liền !
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét